RSS

BƯỚC ĐẦU TRÊN VẠN DẶM

Những ngày đầu đến trường là nền tảng để những “mầm non thân yêu” từng bước xây dựng “ngôi nhà ước mơ” của riêng mình trong tương lai. Nếu được chuẩn bị đúng cách thì nền tảng này là bệ phóng ước mơ, bằng không nó có thể là ác mộng cản trở cho bước đường học hỏi vạn dặm suốt đời.

Hiện nay, nhiều cha mẹ phải đón nhận sự phản kháng dữ dội, còn các bé thì trải qua một cú shốc nặng nề và “nhạt nhòa nước mắt” khi bắt đầu vào Mẫu Giáo và lớp Một. Đa số các em thường khóc một tuần hoặc vài tuần đầu tiên khi đến lớp. Một số trường hợp đã khóc suốt cả một năm vì sự ám ảnh của cảm giác cô đơn và bị bỏ rơi … Thêm vào đó là những biểu hiện mà Cha mẹ không hiểu nổi như đái dầm, chán ăn, khó ngủ, buồn bã và thụ động. Điều đó, như một vết cắt xoáy sâu vào tận tâm can của những đấng sinh thành, khi mong muốn dành điều tốt đẹp cho con, giờ đây vô tình đẩy con đi lùi lại với sự phát triển tự nhiên của một đứa trẻ non nớt chỉ vì một cú shốc tinh thần. Những điều này có thể tránh được, và các bậc phụ huynh có thể làm nhiều điều để tặng cho con những “viên gạch kiến thức” đầu đời thật tươi đẹp và tràn ngập tiếng cười đó chính là chuẩn bị tinh thần cho trẻ vào Mẫu Giáo và Lớp Một.

Đối với trẻ chuẩn bị vào Mẫu giáo, cha mẹ chỉ cần dành một ít thời gian, cùng bé chơi trò “Đi học” thôi, là đã đạt được hiệu quả nhất định trong tâm lý của bé rồi. Ở đây, bố hoặc mẹ sẽ là giáo viên, bé là học sinh, và “lớp học” trò chơi này cũng có tiếng chuông, có sách vở, có bài hát, có bút chì màu, có những trò chơi và tất nhiên là cũng sẽ giòn tan những tiếng cười vui vẻ nữa. Đối với bé sắp vào lớp một, cả nhà hãy cùng đi chọn trường và bé sẽ giúp cha mẹ lựa chọn. Trong suy nghĩ của bé, thì đây sẽ là một chuyến đi chơi và chọn lựa nơi làm bé thoải mái và thích thú. Điều này, sẽ giúp xóa đi cảm giác lạ lẫm khi bé nhập trường sau này, đồng thời cũng là dịp cho bé tập tư duy và đưa ra ý kiến của riêng mình về một vấn đề. Về phía bố mẹ, hình ảnh “tình yêu bé nhỏ” nô đùa ngô nghê lại giúp giảm bớt sư lo lắng trong lòng về việc gởi con cho nhà trường.

Hai tuần trước khi vào trường, phụ huynh nên tạo cho trẻ cảm giác mong chờ, háo hức bằng cách đưa bé đi mua sắm những vật dụng cho ngày đi học (cặp, vở, sách, bút thước, giầy dép…). Hãy để cho trẻ được tự lựa chọn những đồ dùng của mình, tạo nên một hiệu ứng thích thú như là một dịp lễ tết sắp diễn ra, từ đó, cảm giác ngóng trông và thích thú về việc đi học sẽ tự nảy sinh trong lòng bé.

Một điều cần lưu ý đó là, không nên cho con đi học thêm trước. Vì những lớp học này thường sẽ không đầy đủ cơ sở vật chất, thêm vào đó, các bé vào đây “chỉ có học và chỉ để học” nên sẽ nảy sinh một áp lực đè nặng lên vai khi còn quá sớm, từ đó làm trẻ mất đi hứng thú hay nghiên trọng hơn là sợ hãi việc học hành.

Các bậc sinh thành cũng nên chú ý trang bị cho con mình kỹ năng tự lập, bao gồm:

  • Tự chăm sóc: tự ăn khi đói, tự uống nước khi khát, tự mặc áo khoác lúc lạnh, tự mang giày khi ra ngoài, tự rửa tay 5 bước với xà phòng, tự đi vệ sinh…
  • Tự bảo vệ: biết nhận dạng người lạ; không nhận bất cứ thứ gì từ người lạ, không nói chuyện với người lạ, tuyệt đối không cho người khác động vào phần cơ thể phía trước từ cổ đến đùi, và phía sau thì quanh phần mông, và những nơi kín như nách, háng, cổ…; biết tránh xa những vật dụng và nơi nguy hiểm (điện, độ cao, tốc độ cao, nhiệt độ cao, vật nhọn, vật nặng trên cao, vật dễ rơi vỡ, vũng nước, bờ tường, …), không ra khỏi khuôn viên trường một mình, không nhận sự giúp đỡ của người lạ …
  • Kỹ năng giao tiếp: cách chào hỏi thầy cô, người lớn lễ phép; nhân nhượng, hợp tác, thân thiện với bạn bè; biết chia sẻ thức ăn, đồ chơi với mọi người; giúp đỡ người xung quanh;

Cha mẹ còn có thể giúp con vượt qua cảm giác bị bỏ rơi bằng cách, xin phép cô giáo ở lại lớp học cùng con trong vài ngày đầu, nhằm cùng con làm quen với lớp học mới, bạn bè và thầy cô mới nhanh chóng hơn. Hoặc các phụ huynh có thể lựa chọn cách để lại cho bé một tờ giấy, trên đó ghi rõ tên bố mẹ, số điện thoại, địa chỉ, và ngồi xuống, hôn lên mảnh giấy, rồi đưa tận tay cho bé và nói: “Trong đây có chứa nụ hôn bố mẹ dành cho con, khi nào con thấy nhớ bố mẹ, hãy xin phép cô giáo gọi số điện thoại này, bố mẹ sẽ chạy đến bên con ngay lập tức, con nhé !!!”. Mảnh giấy ấy, tuy nhỏ thôi, nhưng sẽ tạo cho bé một cảm giác bố mẹ luôn ở bên và con yên tâm học tập.

Sau khi kết thúc một ngày ở trường, hãy đón bé về nhà, và cùng bé thư giản bằng những câu chuyện trong ngày của mỗi người. Cùng khoe về ngày làm việc của mẹ, cùng khoe những bài học cô dạy, những lời khen, những điểm số, ngôi sao hay phần thưởng mà bé có được, những trò chơi, những món ăn,… trong một ngày học tập của bé. Trẻ sẽ cảm nhận được sự quan tâm, gần gũi, thêm vào đó là lòng tự hào, thích thú và mong chờ đến ngày đi học tiếp theo để có thêm nhiều câu chuyện mới để khoe với bố mẹ.

Những việc làm trên đây không quá khó. Hy vọng mỗi bậc phụ huynh sẽ cùng với “mặt trời bé con” của mình trải qua những “ngày đâu tiên đi học” thật suôn sẻ và biến khoảng thời gian ấy thành một vệt “ký ức hồng” tươi đẹp trong những ngày ấu thơ của bé cũng như gia đình.

Trần Thị Ái Liên

Sáng lập & Điều Hành Cty TNHH Bạn Của Bé

http://www.BanCuaBe.org

http://www.CachDayCon.org

 

DẠY CON TÍNH TỰ GIÁC: BƯỚC ĐẦU LÀM CHỦ BẢN THÂN

Có lẽ bất kỳ ai trong chúng ta, đều đã từng vài lần chìm đắm trong cái đám đông hỗn độn vì kẹt xe ngoài đường phố. Ngoài những lý do khách quan mà ai cũng biết, thì một yếu tố cũng không kém phần quan trọng góp phần làm cho tình trạng này trở nên rối rắm hơn, đó là khi người tham gia giao thông không có ý thức tự giác chấp hành chuyện nối đuôi nhau và không vượt qua bên trái đường.

Đây chỉ là một trong rất nhiều tình trạng chưa tốt trong xã hội chúng ta, do việc mỗi người chưa có được ý thức về việc phải gìn giữ môi trường một cách tự giác, mà chỉ chấp hành đôi khi rất miễn cưỡng, nếu có sự giám sát của giới hữu trách. Điều đó cho thấy, ý thức tự giác không thể tự nhiên hình thành mà phải trải qua một quá trình giáo dục lâu dài.

Gieo hành động, gặt thói quen – Gieo thói quen, gặt tính cách – Gieo một tính cách, gặt số phận

Đây là điều mà hầu như ai cũng biết. Nhưng trong việc giáo dục con, đôi khi chúng ta không gieo mà chỉ thích gặt, hay có khi lại muốn nhờ người khác gieo hộ cho mình hoặc chỉ biết há miệng chờ sung! Trong khi đó sự phát triển nhận thức để hình thành nhân cách của trẻ thì lại không biết chờ, mà lại còn sẵn sàng tiếp nhận những mầm mống không tốt đầy rẫy xung quanh trẻ để gieo vào tâm hồn trẻ những thói quen xấu!

Vì thế việc tập cho trẻ có những hành động tự giác ngay từ nhỏ, bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, chính là biện pháp tốt nhất để gieo vào tâm hồn các em ý thức tự chủ trong mọi hành vi ứng xử sau này.

KHI NÀO THÌ CÓ THỂ DẠY TRẺ Ý THỨC TỰ GIÁC?

Chúng ta đã biết là ý thức về bản thân được hình thành từ khi trẻ đi những bước chập chững để từng bước khám phá thế giới chung quanh lúc trên 1 tuổi. Nhưng sự nhận thức về cái Tôi – phân biệt được bản thân, biết rõ về sơ đồ cơ thể thì chỉ khi đến 3 tuổi, trẻ mới có được sự nhận biết rõ rệt nhất – Trẻ mới biết nói không, thậm chí còn hơi bị…nhiều khi cái gì cũng…không, dù sau đó nếu mẹ cất đi không cho thì lại…khóc!

Vì vậy, để có sự tiếp nhận tốt nhất những hướng dẫn nhằm giúp trẻ hành động và ý thức về tính tự giác, thì các bậc cha mẹ nên bắt đầu trong giai đoạn xung quanh 3 tuổi.  Trong giai đoạn này, trẻ đã bớt dần tính ái kỷ, là tính chỉ biết có mình và suy nghĩ “cái gì trong tay ta là của ta.” Trẻ bắt đầu mở rộng mối quan hệ với những trẻ khác, biết quan tâm đến những người và sự kiện xung quanh mình, biết chơi chung với bạn bè. Vì vậy việc cho trẻ đi học là cần thiết. Đây cũng là thời điểm thích hợp để giúp trẻ có được những ý thức về tự giác và bắt đầu có sự phát triển về trí tuệ cảm xúc (EQ) cũng như về tư duy logic.

DẠY TRẺ SỰ TỰ GIÁC BẰNG CÁCH NÀO?

Khi đứng trước một trang giấy trắng, ai cũng có cái cảm giác là muốn viết hay muốn vẽ một cái gì lên đó. Đứa trẻ tương tự như một tờ giấy trắng, chúng ta cũng rất thích tác động lên đó. Chúng ta có thể vẽ lên đó những hình ảnh đẹp, và cũng có thể bôi bẩn nó bằng những nét nguyệch ngoạc vô ý thức. Vì vậy, khi muốn dạy cho trẻ ý thức tự giác, chúng ta phải biết dùng cách nào, công cụ nào để vẽ lên tờ giấy đó những hình ảnh hữu ích, nếu không thì chính chúng ta đang bôi bẩn tâm hồn đứa trẻ!

Để dạy trẻ thì phải chăng là chúng ta sẽ đối diện, và nói với bé là con phải ngoan, con phải biết tự đi đánh răng mỗi buổi sáng, tự lấy quần áo ra mặc, buổi tối phải tự biết lấy vở ra chép bài không thì mẹ sẽ phạt 3 roi?

Điều đó đúng, nhưng chỉ đúng với chúng ta, đúng với cái suy nghĩ logic của người lớn chứ không phải với sự nhận thức và tư duy của một trẻ lên 3! Trẻ cũng có thể làm nhưng thường chỉ làm được khi chúng ta phải nhắc nhở nhiều lần hay dưới sự giám sát của người lớn hoặc sau rất nhiều cái …3 roi! Nói cách khác, yêu cầu thì hoàn tất nhưng ý thức tự giác vẫn là con số 0, thậm chí còn hình thành tính chống đối, không bắt buộc thì sẽ không làm!

Thế thì phải dạy bằng cách nào? Chúng ta hãy biến những hoạt động mang tính bổn phận thành những trò chơi – mà đối với trẻ em, thì trò chơi chính là các hoạt động rất nghiêm túc! Vì thế khi chúng ta chơi trò “mèo con rửa mặt” hay “thỏ mặc quần áo nhanh”  hoặc “xem ai nhanh hơn” .v.v. là chúng ta đang “làm việc” với trẻ hay đang “dạy” trẻ một cách nghiêm túc đấy!

DẠY TRẺ NHƯ THẾ NÀO?

Không phải chỉ biến việc dạy trẻ thành trò chơi là đã xong, để rồi trẻ muốn chơi sao thì chơi. Mà việc giúp trẻ hình thành ý thức tự giác vẫn đòi hỏi một số những nguyên tắc. Trước hết, đó là chúng ta để cho trẻ quyền chọn lựa, không phải là chọn lựa giữa cái không và cái có mà là chọn lựa giữa việc thực hiện như thế này, hay thực hiện như thế kia. Sau đó trong giai đoạn đầu, chúng ta cũng cần biết cách “tập huấn” cho trẻ theo từng bước, hướng dẫn cho trẻ làm những động tác cơ bản nhất.

Khi trẻ đã làm được thì có hai điều mà phụ huynh cần lưu ý: Hãy để cho trẻ tự làm, thậm chí có thể có những sai sót vì có như thế, trẻ mới biết rút kinh nghiệm và cho dù thời gian có dài gấp đôi nhưng chúng ta cũng nhất quyếtkhông nên can thiệp vào. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc dạy trẻ thất bại, vì cha mẹ thường không chịu nổi sự chậm chạp và vụng về của trẻ, để rồi “ra tay” hoàn tất công việc trong tích tắc, thay vì phải chứng kiến sự rề rà của trẻ.

Một yếu tố cần thiết nữa, đó là tính nhất quán – Trẻ không thể hình thành sự tự giác, nếu các hoạt động thường xuyên thay đổi về thời gian và cách thức. Vì vậy, hãy có thời khóa biểu sinh hoạt trong ngày cho trẻ, và cả nhà phải tôn trọng và tuân thủ thời khóa biểu này cùng với trẻ.

Một trong những biện pháp nâng cao “kỹ năng” là cho trẻ từng bước tham gia vào các hoạt động trong gia đình, như trong việc dọn dẹp, làm bếp, lau nhà, giặt quần áo..v.v. Chúng ta có thể nhờ bé làm một số việc lặt vặt, vừa làm vừa hướng dẫn  thêm cho bé. Dĩ nhiên điều đó sẽ làm cho chúng ta mất thì giờ hơn, mệt hơn… Nhưng có hoạt động huấn luyện nào mà không mất thì giờ và công sức không?

DẠY TRẺ TRONG BAO LÂU?

Chắc hẳn là chúng ta sẽ tự nhủ, chuyện dạy trẻ những việc như đánh răng, rửa mặt, xếp quần áo, giữ bàn học gọn gàng ..v.v. là những chuyện nhỏ, dạy qua vài lượt là trẻ phải nhớ chứ. Điều này đúng, nhưng chưa đủ vì trước hết, có những bé nhạy bén, tiếp thu nhanh “ Thông minh vốn sẵn tính trời” nhưng cũng có những bé chậm chạp, rề rà hay vô tư, dạy trước quên sau. Vì thế, việc tập cho trẻ cũng phải tùy theo khả năng của từng em mà nhanh chóng hay phải kéo dài. Nhưng dù sao thì việc dạy trẻ cũng phải mang tính thường xuyên, từng bước một và luôn luôn cần được động viên, nhắc nhở.

Một điều quan trọng là trẻ rất thích được khen, mà thực ra thì ai chả thế? Vì thế, trong quá trình thực hiện, chúng ta nên có những lời nói có cánh, nhưng cũng phải hợp lý và chừng mực chứ không phải “gì cũng khen”! Còn nếu như trẻ làm sai, làm hỏng thì chúng ta lại không nên chê bai mà thay vào đó là những sự khuyến khích: “Mẹ biết là con có thể làm tốt hơn! Con làm như thế là không được, nhưng mẹ tin là con sẽ làm được mà!”

Như thế, để hình thành một tính cách, chắc chắn không thể là những tác động kiểu “mì ăn liền” mà là một quá trình giáo dục tiệm tiến, đi từ những chuyện nhỏ, kéo dài từ năm này qua năm khác. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta cứ phải kè kè theo trẻ, hướng dẫn cho trẻ hết chuyện này sang chuyện khác, mà trong các năm tháng tiếp theo chỉ là sự quan tâm mang tính giám sát, hỗ trợ và đồng hành cùng trẻ.

Sẽ đến một thời điểm mà trong một số hoạt động, chúng ta nên để cho trẻ tự xoay sở, tự làm và tự chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm.  Việc cho trẻ tham gia các đội nhóm hoạt động theo sở thích hay theo các kỹ năng cũng là một cách giúp trẻ tự giáo dục mình thông qua các trẻ khác.  Điều quan trọng là khi trẻ đã có được những khả năng cơ bản, những kiến thức và kinh nghiệm tối thiểu, thì chúng ta phải biết tin vào trẻ. Chính sự tin tưởng vào khả năng của trẻ sẽ là một động cơ tích cực giúp trẻ phát huy được ý thức tự giác một cách rất …tự giác!

TÍNH TỰ GIÁC CẦN THIẾT CHO TRẺ NHƯ THẾ NÀO?

Có lẽ ai trong chúng ta đều nhận thấy rằng, một số không nhỏ các trẻ em, thậm chí là thiếu niên, thanh niên và cả người lớn, đã không có khả năng tự chủ trong cuộc sống, thường chỉ có thể làm tốt nếu được “cầm tay chỉ việc” thậm chí là chỉ rồi mà vẫn làm sai vì không có sự tự tin – và phải có sự kiểm soát liên tục mới có thể hoàn thành công việc của mình. Điều này thường do thiếu một chữ “ Tự” trong quá trình thành nhân.

Ngay từ bé, nếu các em không được tập cho tính tự giác, thì thiếu khả năng tự giác sẽ đưa đến sự thiếu tự tin, khi đã không tin vào mình thì không thể có Khả năng tự chủ trong công việc, từ chuyện học cho đến chuyện làm. Và khi đã không có sự tự chủ thì chắc khó mà có thể có Tinh thần tự lập cho cuộc đời của mình!

Trong cuộc đời con người, có ba điều quan trọng là Lập ngôn, lập chí và lập nghiệp – mà muốn có được các điều này thì không thể chỉ biết dựa vào sự chăm sóc hỗ trợ của cha mẹ, và của những người xung quanh mà phải bằng sự Tự lập. Chính vì thế, ý thức tự giác mà chúng ta giúp cho con hình thành trong mùa xuân của cuộc đời, chính là bước đầu cho quá trình thành người. Một con người có thể bước đi trong cuộc đời bằng bàn chân và khối óc của mình cũng như tự tin vào chính mình. Điều đó, chúng ta gọi là Hạnh Phúc!

Chuyên gia Tâm lý LÊ KHANH

                            Trưởng phòng Tư vấn Tâm lý – Trường Quản Trị Cuộc Đời LIMA – www.TamLyTreEm.com

Cố Vấn Tâm Lý – Cty TNHH Bạn Của Béwww.BanCuaBe.orgwww.CachDayCon.org

 

Tags: , , , , , , ,

HÈ ĐẾN CHO CON HỌC GÌ, CHƠI GÌ?

Chúng ta ai cũng biết, đã từ rất lâu, các em học sinh sau 9 tháng miệt mài học tập, thì các em sẽ có 3 tháng để nghỉ ngơi, một số thời gian để ôn luyện lại các bài học, rèn tập một số môn còn yếu kém còn phần lớn là để giải trí, để lên rừng, xuống biển, để về quê tận hưởng cái không gian thoáng đãng, lấy lại sức khỏe từ thể chất đến tinh thần sau một thòi gian vất vả sách đèn.

Ngay cả người lớn cũng cần có những ngày nghỉ Hè cho riêng mình, tùy vào công việc, nhưng đều là những hoạt động nghỉ ngơi và giải trí một cách tích cực. Chính điều đó giúp cho chúng ta, và cho con em quân bình được sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần.

Image

Thế nhưng, không biết từ bao giờ đã xuất hiện thêm từ học hè! Có vẻ là một điều phi lý nhưng lại được nhiều người cho là thỏa đáng, khi buộc con cái mình phải học hè! Biện minh cho sự “áp chế” đó, họ đưa ra vô số thứ để học – nào là năng khiếu, nào là Anh Văn, rồi Vi tính, rồi gần đây là đi học cả kỹ năng sống.

Hãy thử xem một phụ huynh muốn con mình “cái gì cũng phải biết”, nên đã đăng ký tất cả các môn cho con dù trước đó đứa con mếu máo: “Con không thích học gì hết, chỉ thích được bố mẹ dẫn đi chơi thôi”. Kết quả là lịch học hè của cậu bé 8 tuổi được đánh dấu chi chít từ thứ Hai đến Chủ nhật, thậm chí thứ Bảy và Chủ nhật bé phải học cả 2 ca, buổi sáng học năng khiếu, chiều đến trường học Anh văn.

Khi được hỏi sao cho bé học nhiều thế, vị phụ huynh cho biết: “Nhỏ mà không học, lớn lên sẽ chẳng làm được gì. Ngày xưa mình không có điều kiện nên mới không được học, bây giờ mình có tiền thì cứ cho con đi học. Học, trước là để biết, sau là để thể hiện tài lẻ (đàn, hát, vẽ…) và để tự bảo vệ mình (võ, bơi lội…)”.

Theo thống kê của các nhà thiếu nhi trên địa bàn TP.HCM, trong dịp hè, trung bình mỗi bé được bố mẹ đăng ký từ 3 đến 5 môn năng khiếu, mà đôi khi những môn đó chẳng liên quan gì đến nhau như võ và thể dục nhịp điệu.

Image

Bố mẹ thường có tâm lý muốn con mình cái gì cũng phải biết mà không quan tâm con mình có năng khiếu môn gì hay có thích học những môn đó không, hoặc một số bậc phụ huynh cho biết do chưa phát hiện được năng khiếu của con nên cứ cho con học hết tất cả các môn đến khi nào tìm thấy được năng khiếu của con thì tập trung đầu tư cho bé môn đó. Hậu quả của tâm lý đó là những đứa trẻ sau 9 tháng học hành ở trường, lại phải tiếp tục 3 tháng học hè, dù những môn này thú vị và đỡ căng thẳng hơn, nhưng cũng làm các bé mất đi mùa hè thật sự của mình khi không còn thời gian vui chơi, giải trí.

Nhưng cũng có những phụ huynh biện minh là mình có được nghỉ hè đâu? Mà vẫn phải đi làm, đi kiếm ăn, vậy nếu không cho con đi học cái này cái kia, thì biết gửi con đi đâu, biết bầy ra cái gì để hết ngày hết giờ của con? Như vậy cái lý do phát triển năng khiếu hay hình thành kỹ năng sống chỉ là cái vỏ bên ngoài cho một cái mục đích rất “đời thường” đó là có thứ để học, có chỗ để gửi con thôi!

Điều đó không có gì sai – thế nhưng tại sao chỉ cần gửi con, chỉ cần có chỗ cho con hoạt động, nhưng cũng đòi hỏi con phải đạt được những kết quả thành tích hay bắt con theo học cả những thứ trái với sở thích của con?

Hãy nghe tâm sự của một phụ huynh khi lên lịch học hè dày đặc cho cậu con trai hiện đang học lớp bốn của mình là: “Con trai tôi từ khi đi học lớp một luôn đứng trong top đầu lớp, tôi muốn con phát huy được tối đa khả năng của mình để hết tiểu học, cháu sẽ thi đỗ vào một trường điểm trung học cơ sở.” Nghe mẹ nói vậy, cậu con mếu máo: “Con chỉ có một ước mơ là được nghỉ hè thật sự như các anh, chị con ở quê nội, không phải nghĩ đến việc đi học hè. Con thích đi thả diều, thích đạp xe chứ không thích đi học giải toán trên máy tính. Nhưng năm nào con cũng phải đi học hè, hết ở trường, ở trung tâm ngoại ngữ, nhà văn hóa lại đến học gia sư tại nhà”

Nhưng không phải phụ huynh nào cũng thế – Như hai phụ huynh này, họ đã giải bài toán học hè cho con như thế nào?

Một vị sau nhiều năm cứ hè đến là đôn đáo khắp nơi tìm các trung tâm, khóa học cho con, đã nhận thấy, người dạy con tốt nhất là bố mẹ và phải làm hằng ngày. Nghĩ vậy, chị đã dành thời gian tìm hiểu tâm lý của các con ở từng độ tuổi, theo sát chương trình học của từng cháu ở trường rồi từ đó tổ chức nhiều hình thức giúp con tìm hiểu về những nội dung liên quan. Chỉ sau chưa đầy một năm, chị đã thấy các con tiến bộ hẳn. “Thỉnh thoảng vào ngày nghỉ mình cho các con về quê hay ra ngoại thành, cuốc đất, trồng rau, nhổ cỏ dại giúp người thân… Đứa nào cũng hào hứng lắm”

,Image

Một vị khác  cũng dạy con kỹ năng sống bằng cách, hằng ngày hướng dẫn con tự phục vụ bản thân và làm việc nhà phù hợp lứa tuổi. Mỗi dịp nghỉ hè, dù bận rộn thế nào, chị cũng sắp xếp để gia đình đi nghỉ cùng nhau ít nhất 3 ngày. Trước mỗi chuyến đi, các con của chị được giao nhiệm vụ tìm thông tin về lịch sử, địa lý… của địa danh sẽ tới và tự chuẩn bị hành lý của mình…

“Tất nhiên, mình cũng muốn cho các con tham gia các hoạt động ở trại hè hay học thêm những kỹ năng bổ ích từ cộng đồng, thế nhưng đó chỉ là cơ hội để bọn trẻ giao lưu, trải nghiệm, thay đổi không khí và thực hành những điều đã học, chứ không phải để chúng thay đổi”.

Như vậy, chúng ta đã thấy thay vì phải đi tìm kiếm những cơ sở trường lớp hay các khóa năng khiếu để gửi con theo học, vừa tốn tiền, tốn sức của cha mẹ mà lại có khi không phù hợp với sở thích và năng lực của trẻ, thì tại sao chúng ta không tìm hiểu ngay chính con mình để tìm ra những biện pháp giúp con “học” một cách vui vẻ, nhẹ nhàng ngay tại gia đình – và mỗi cuối tuần vẫn có thể cho các cháu đến các điểm sinh hoạt vui chơi thoải mái. Còn nếu nói về năng khiếu thì liệu một hai tháng có đủ để giúp trẻ phát triển được không, khi đó là một lĩnh phải được học hỏi và đào tạo lâu dài mới có thể đạt được những kết quả nhất định.

Image

Còn về việc vui chơi – điều đó cũng giống như việc học bởi vì trẻ được vui chơi sẽ tạo điều kiện giao lưu về ngôn ngữ, thông tin, kiến thức. Từ đó, trẻ phát triển cả về thể chất và tinh thần, góp phần quan trọng cho sự hình thành nhân cách của trẻ.

Thực tế cho thấy, những đứa trẻ được vui chơi hợp lý sẽ có khả năng giao tiếp tốt và tự tin hơn để có sự phát triển lành mạnh về mặt tâm lý. Do đó chúng ta cũng cần biết đến những hoạt động vui chơi nào có thể giúp trẻ phát triển. Có thể đó là những khóa đá banh, bơi lội, thể dục nhịp điệu hay những trại hè được tổ chức bởi những đơn vị có uy tín với mức chi phí hợp lý. Nếu có người thân ở quê, thì đây cũng là dịp thích hợp để cho các cháu về quê, vui chơi nghỉ ngơi một thời gian, vừa gắn kết tinh thần gia đình họ hàng, vừa giúp trẻ thay đổi không gian sống tích cực.

Điều quan trọng là sự quan tâm đến con trong các hoạt động vui chơi, quan tâm không có nghĩa là theo sát, nhưng là có sự hiểu biết về những sở thích của con để giúp con có các hoạt động vui chơi phù hợp.

Cv.Tl Lê Khanh

Phòng Tư vấn Tâm lý Gia đình & Trẻ em

174 Lê Quang Định P.14, Q. Bình Thạnh –ĐT: 08 38432526 – 091394608

http://www.tamlytreem.com/home/tac-gia

 

Tags: , , , ,

TÌM BẠN CHO CON

“Con mình là bé trai 4 tuổi, ở nhà thì rất tự tin, ở lớp học thì hơi e dè. Nhưng mình biết con mình không phải là em bé nhút nhát. Vì vậy, mình thực sự muốn lập một nhóm bạn chơi nhỏ 2-3 bé, gặp gỡ nhau thường xuyên. Nếu mẹ nào có cùng quan điểm và có thời gian cho con đi chơi các cuối tuần hoặc sau 5h chiều thì alo cho mình nhé. Nhà mình ở gần Đại học Bách Khoa và công viên Lê Nin. 0983…. Skype: hope…

Đây là một mẩu tin trên diễn đàn cuả một bà mẹ đi tìm bạn cho con, bé trai 4 tuổi, đọc mà thấy thương quá!

Càng nhiều đồ chơi càng thiếu tình bạn.

Tôi cũng là một người mẹ bận rộn trong hàng núi công việc ở công sở và cuối tháng nhận một chuyển khoản vào thẻ ATM. Cuộc sống công nghiệp đã cướp tôi khỏi tay các con hầu hết thời gian hấp dẫn trong ngày. Từ sáng tới tối trốn biệt trong công sở, bao tinh nhanh, nhạy cảm, dễ thương dịu dàng tôi cống nạp hết cho đồng nghiệp, đối tác, cho công việc,… tới tối mịt, mệt mỏi như một búi giẻ, tôi mới lết về gặp các con, thì các con lại chuẩn bị líu ríu đi ngủ mất rồi.

Thế là, tôi cũng như nhiều bậc cha mẹ trẻ bây giờ, quýnh quáng lo bù đắp cho con bằng những món đồ chơi. Đôi lúc trốn sếp chạy ra cửa hàng vài chục phút ring về một món đồ chơi. Đi công tác nước ngoài cũng tranh thủ hốt vài bộ đồ chơi xếp chặt va li. Trang thủ nghỉ trưa vào mạng lướt net cũng để ý xem có đồ chơi gì vừa đẹp, vừa vui, vừa rèn luyện trí tuệ… Và cũng không khỏi trách hàng hà sa số đồ chơi Trung Quốc, xanh đỏ tím vàng chớp chớp lóng lánh, kêu chíp chíp, chạy ro ro, nhảy bùm bùm, quá ư hấp dẫn mà giá thì rẻ bèo, một ngày công của mẹ có thể đổi được hàng chục món hấp dẫn như thế.

Nhưng càng nhiều đồ chơi, không phải là càng tốt cho con.

Bà mẹ của cậu bé 4 tuổi trên đầu bài viết cũng nói: “Mình cũng không thích cho con chơi ở những chỗ quá nhiều đồ chơi, vì nếu có đồ chơi thì con chỉ cắm cúi với đồ chơi thôi, không còn quan tâm đến việc tương tác với người khác và quan sát thế giới xung quanh nữa. Con mỗi lần đến Vincom thì chỉ thích cái cầu thang máy thôi, chẳng quan sát được gì khác nữa… Đi công viên thì chỉ nhăm nhăm đi máy bay, tàu hỏa, mẹ có trổ tài ngoại giao thì cũng không kết nối được con với bạn nào. Nhưng những chỗ ít người, yên tĩnh thì con quan tâm đến bạn hơn. Mình biết là nếu nuôi dưỡng tình bạn ngay từ bây giờ thì sẽ rất tốt cho EQ của con”

Không thể phủ nhận ý nghĩa của đồ chơi, nhưng đồ chơi không biết nói chuyện để dạy bé chia sẻ cảm xúc và phát triển ngôn ngữ. Đồ chơi không biết khóc để bé biết nựng nịu, an ủi. Đồ chơi không biết dỗi để bé biết tôn trọng người khác. Đồ chơi không biết nổi nóng để bé biết kiềm chế những lời nói và hành động có thể gây tổn thương, để bé biết dừng lại đúng lúc mà bảo vệ mình…

Rồi bất ngờ, một hôm rỗi rãi được nghỉ việc, tôi ở nhà với con cả ngày, và hoảng hồn nhận ra: có nhiều đồ chơi, bé không đòi mẹ nữa! Bé không ráo riết yêu cầu mẹ dành cho bé điều quan trọng nhất với tuổi cuả bé lúc này, đó là những con người thực thụ, sống động, yêu thương. Với đống đồ chơi, và những thiết bị điện tử trong nhà tối tân, dường như cả ba mẹ và chính bé cũng cảm thấy hài lòng, cũng cảm thấy yên tâm, hình như cuộc sống này đã đủ để cho bé vui và cho bé phát triển tốt…

Giam con vì muốn an toàn

Nhà tôi ở trong một con hẻm nhỏ. Trước đây thì tôi cứ sáng đi tối về, bình yên, không động chạm tới ai. Khi có con, tôi hồ hởi cho con chơi cùng bầy trẻ con hàng xóm. Nhưng rồi, bỗng một hôm tôi hoảng lên, khi con bé 3 tuổi của mình buông gọn một câu chửi thề dài trơn tru. Hóa ra bà ngoại của cô bé xinh xắn hay chơi với con tôi còn có nhiều câu độc hơn thế nữa. Rồi con tôi bỗng ưa thích trò chọc ném chó nhà hàng xóm cho nó chạy lồng lên, sủa nhức óc. Rồi có hôm bé còn mang về một món đồ chơi lạ, khoe chiến tích: “Con và bạn Thục Anh lấy trộm của bạn Bảo Hân đó mẹ!” (Chết tôi!!!) Rồi vài ngày sau, một chị thầm thì vào tai tôi: “Thằng bé nhà H. nghiện game lắm, toàn trộm tiền bố mẹ đi chơi đấy!”. Ngay tối đó, tôi và con gái bé bỏng của mình nhìn thấy bố nó xách tai, nhấc bổng người nó lên khỏi mặt đất, rồi đấm rồi đá, rồi chửi suốt gần tiếng đồng hồ với những lời mà tôi không bao giờ muốn con mình phải nghe.

Rồi những lo xa của người thành phố, những bản tin ngắn ngủn, cướp, giết hiếp…, bắt cốc tống tiền, chặt đầu vứt xác, châm kim vào đầu… xảy ra đâu đó trong thành phố, đâm thẳng vào tim những người bố người mẹ, … làm con người ta nhìn đâu cũng thấy nguy cơ, nhìn đâu cũng lo lắng, nhìn đâu cũng thấy sợ…

Tới những nước láng giềng, cái tôi mê mẩn không phải là những tòa nhà chọc trời, mà là những công viên xanh có ở khắp nơi. Chỗ nào cũng có thể và chỗ nào cũng sạch sẽ, xanh tốt. Nếu con tôi ở đó, bé sẽ tha hồ cũng bạn chạy nhảy, đạp xe, trốn tìm, đuổi bắt, tha hồ lăn lê bò toài, tha hồ hít thở.. mà tôi không cần phải nhăm nhắm canh nhắc con tránh xe máy, tránh hàng quán, tránh ống tiêm, tránh phân chó…

Thôi, hẻm mình còn nhiều bề bộn, con ở trong nhà cho an toàn! Rút lại, tôi cũng đi tới quyết định như nhiều ông bố bà mẹ khác: nhốt con trong cánh cổng sắt để bảo vệ con.

Cuộc sống đô thị làm trẻ con quá thiếu tình bạn.

Bên cạnh nhà tôi, cũng lại là những ngôi nhà to, cửa sắt cài im ỉm, nhiều khi thấy một đôi mắt trẻ thơ nhìn ra từ khe cửa mà thấy thương thật là thương cho tụi trẻ con thành phố.

Cuộc sống thành thị hối hả, khoảng cách giàu nghèo xa dằng dặc, những nhà ở sát nhau mà chẳng gần nhau, thu nhập của người này gấp 10 lần, 20 lần, thậm chí cả trăm lần nhà hàng xóm. Họ giao tiếp, họ thân thiết với những người khác, cùng tầng lớp, nhưng có thể ở cách họ rất xa. Còn những nhà ngay bên vách thì chẳng quen biết gì.

Ngay cả hệ thống giáo dục dày đặc trường, cũng là một cái gì đó đẩy bạn bè đi xa nhau hơn. Ngày xưa ở quê, cùng làng có nghĩa là cùng trường, cùng tuổi có nghĩa là cùng lớp, nhưng bây giờ có khi 3, 4 bé cùng tuổi, nhà ở cùng một con hẻm, mà mỗi đứa học mỗi trường xa lắc, chẳng liên quan gì tới nhau.

Cái vô danh của người thành phố làm những người đã từng được hít thở bầu không khí làng quê thấy thiệt thòi cho con mình. Tôi nuối tiếc những cảnh nông nghiệp, ba mẹ con cái cùng làm việc trên một thửa ruộng, cả ngày bên nhau, cùng mưa cùng nắng, cùng ăn cùng uống, cùng chảy mồ hôi dưới một ánh mặt trời, cùng hưởng chung một làn gió mát. Rồi cái thời cả nước làm kế hoạch kinh tế hộ gia đình, mẹ đan con vót, mẹ băm rau, con nấu cám heo… tất cả thật nhịp nhàng, thật thân thiết và gần gũi làm sao.

Con có cần lá chắn?

Bầy trẻ con trong hẻm, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi đứa một tính, có đứa hiền ngoan có đứa dữ dằn, có nhà gia giáo, có nhà buôn bán, có nhà lao động phổ thông, con cái tự lớn lên như cỏ dại… nhưng đó là một xã hội thu nhỏ. Nếu không chuẩn bị tập dượt cho con biết tất cả mọi mẫu người, tập dượt cho bé các quy tắc ứng xử của cuộc sống phức tạp, thì sau này khi gặp, bé không có sẵn kháng thể mà nghênh tiếp, điều đó thiếu an toàn hơn rất nhiều.

“Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con” chỉ là một câu hát, một mơ ước mà chẳng thể nào bạn thực hiện được, và bé cũng chẳng thể nào cho bạn thực hiện. Bạn chỉ có thể tìm mọi cách chuẩn bị cho con tất cả các kỹ năng. Có thể cũng cần cho con chơi với những người bạn khó tính khó chịu, biết đâu sau này con mình vớ phải 1 ông sếp khó chiều y chang vậy. Có thể cũng phải để con vài lần nếm mùi dữ dằn của một tay đầu gấu, vì biết đâu sau  này trong một lần ra công viên với bạn gái, con bạn lại gặp một tên cù bơ cù bất tới xin đểu, và khi đó con bạn biết rằng thà bỏ ra vài chục ngàn để mua yên thân, còn hơn là đứng lên lấy khí nam nhi nói chuyện phải quấy với nó rồi lĩnh ngay một nhát dao…?

Thành ra, món quà quý nhất mà bạn có thể tặng cho con là tìm cho bé những người bạn, ngay từ bây giờ, khi bé còn chưa biết BẠN có nghĩa là gì!

Gia Gia

 
 

YÊU CON, YÊU LÝ CỦA CON

Quan hệ gia đình trong xã hội ngày xưa dựa theo nguyên tắc “tôn trị” – ông bà cha mẹ có quyền tuyệt đối với con cháu. Nhưng thời nay, cùng với nhu cầu phát triển của nhà nước pháp quyền, thượng tôn pháp luật, gia đình trong xã hội Việt Nam cũng cần chuyển biến dần từ “tôn trị” sang “lý trị”. Trong gia đình “tôn trị” trẻ em không được phát biểu, không được lắng nghe, và không có lựa chọn hay quyết định cá nhân. Nhưng trong gia đình “lý trị”, con cháu có khả năng thể hiện ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình với các bậc sinh thành, mối quan hệ trong gia đình không còn áp đặt mà trở nên thoải mái hơn.

“Tôn trị” chuyến dần sang “lý trị”

Trong quá khứ, đã có thời điểm các gia đình gia giáo cấm con gái trong nhà không đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, vì cho đây là cuốn “dâm thư”. Đến nay, khi xã hội phát triển và cách nhìn nhận khác đi, “Truyện Kiều” trở thành tác phẩm xuất chúng. Mọi học sinh – bất phân nam nữ đều có thể đọc nó mà không có bất kỳ sự cấm cản nào của phụ huynh. Đây là một minh chứng cho sự chuyến biến trong cách nhìn nhận vấn đề, chuẩn mực của thời đại ảnh hưởng không nhỏ đến cách hành xử trong gia đình.

Một biểu hiện của tính duy lý trong cách hành xử của gia đình thời hiện đại chính là cách nhìn nhận mọi điều đúng sai không còn dựa vào thứ bậc mà là lý lẽ. Ngày trước, cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Cha mẹ luôn chiếm mất phần đúng của con. Cha mẹ có thể ép con mình lấy một người mà cha mẹ chọn dù con không yêu thích. Nhưng nay, con cái có quyền lựa chọn người mà họ yêu thương và gắn bó.

Cha mẹ có thể “đặt” con ở nơi họ muốn nhưng cũng dần ý thức rằng, chỗ họ muốn cho con mình nên là chỗ con mình cũng muốn. Bên cạnh đó, bản thân người con luôn ý thức cái muốn của họ cũng hợp ý nguyện của cha mẹ. Bằng chứng là những chàng trai, cô gái thời nay vẫn thường dẫn người mình yêu về ra mắt bố mẹ, và đều mong muốn cha mẹ chấp nhận người mà họ lựa chọn bằng những lý lẽ cụ thể.

Thời nay, con cháu trong gia đình cũng có thể đưa ra những suy nghĩ, tâm tư của mình trước người lớn. Cha mẹ có thể phải đồng ý với con nếu con đúng. Và người lớn cũng hết thời có thể dùng quyền lực “tôn trị” để áp đặt với con cái. Theo đó, muốn con cái tuân phục và thực hiện ý đồ của mình một cách tự nguyện, cha mẹ phải đưa ra những phán xét, lời lẽ hợp lý, hợp tình.

Gia đình tôi trước đây cha mẹ có quyền hành tuyệt đối. Đôi khi có những quyết định chúng tôi biết là vô lý nhưng cũng không dám cãi lại. Nhưng nay đã khác. Nếu cháu tôi trình bày được lý do khiến cháu có thể ra đường khi trời lạnh mà vẫn đủ ấm và thực hiện được điều đó cháu có thể được ra khỏi nhà. Hay cháu đi chơi mà vẫn bảo đảm việc học nghiêm túc thì người lớn cũng phải chịu lý lẽ của các cháu”.

Cha mẹ nên tạo cơ hội cho con thể hiện

Sở dĩ nhiều người trẻ Việt hiện nay kém nhanh nhạy trong tư duy nhìn nhận toàn diện về một vấn đề và ngại đưa ra những quan điểm cá nhân chính là kết quả của kiểu giáo dục “tôn trị”. Ở đó, lý lẽ nằm trong tay “người trên”, hay có chăng nữa cũng chỉ là lý lẽ của “cây roi mây”, và lý lẽ của “kẻ dưới” trong gia đình như con cháu không được khuyến khích, không được công nhận. Tình trạng này diễn tiến lâu dần gây nên sự chai lì trong tư duy và phát triển nhân cách một con người.

Bởi vậy, để hình thành nhân cách, kỹ năng của con người hiện đại, ngay từ khi con cái còn nhỏ, cha mẹ nên tập cho con nêu ý kiến suy nghĩ về những vấn đề trong đời sống. Qua đó, hướng cho con mình cách lập luận đúng sai của một vấn đề. Chẳng hạn, thay vì cấm tuyệt con cái dầm mưa không cần biết lý do, cha mẹ có thể đưa ra những lời giải thích cho câu hỏi mở: “Trời mưa thì có nên ra ngoài trời không? Nếu có thì tại sao? Nếu không thì tại sao?”.

Những cách đưa ra lựa chọn gợi mở như vậy giúp trẻ tăng khả năng tư duy phân tích, xâu chuỗi vấn đề. Kết quả là con trẻ hiểu ra được rằng: dầm mưa là không nên vì dầm mưa sẽ ướt, dẫn đến cảm lạnh. Muốn ra đường khi trời mưa mà không cảm lạnh thì cần có dụng cụ che mưa như áo mưa, dù. Những lần tiếp theo, khi nhìn thấy trời mưa, trời nắng hay gặp những tình huống tương tự trong đới sống, trẻ con có thể tự suy luận phương pháp hợp lý, tối ưu nhất cho một vấn đề.

Để làm được điều này trong thời đại các bậc cha mẹ bận rộn, quỹ thời gian hạn chế cũng không phải là chuyện dễ dàng, nhưng cha mẹ cần phải thực sự ý thức, cố gắng gần gũi và dành thời gian để giải thích, trò chuyện và lắng nghe. Trẻ em đôi khi nhìn nhận vấn đề còn ngô nghê, chưa thể sâu sắc hay chín chắn như người lớn, nhưng có đủ khả năng học hỏi và dần dần thấm nhuần những bài học tư duy từ những cuộc trò chuyện này.

Moi sự cấm đoán con trẻ không lý do luôn gây ra sự ức chế tâm lý. Sư tuân phục vì sợ sệt đòn roi, la mắng sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về tâm lý sau này. Nhất là các em sẽ tưởng rằng bạo lực là cách duy nhất để giải quyết vấn đề. Điều đó sinh ra những “nhân cách yếu ốm”, thiếu tự tin, thiếu kỹ năng sống khi trưởng thành.

Có bậc cha mẹ nào lại không muốn điều tốt lành cho con cái? Có cha mẹ nào không muốn con mình phát triển toàn diện, gần gũi, yêu thương mình? Vậy thì điều gì khiến chúng ta không tạo điều kiện cho con thể hiện bản than ngay từ bây giờ?

Trần Thị Ái Liên – Sáng lập và Điều Hành

cty TNHH Bạn Của Bé – www.BanCuaBe.orgwww.CachDayCon.org

(Bài đã được đăng lên tạp chí Doanh Nhân Cuối Tuần)

 

Tags: , , , , , ,

MUỐN CON VÂNG LỜI, HÃY HIỂU CON THẬT RÕ

Tác giả một quyển sách hướng dẫn cha mẹ đối phó với sự liều lĩnh và ngoan cố của lũ nhóc dậy thì mà tôi đang sở hữu đã khuyên rằng, nếu đứa con của bạn cứ muốn sờ tay vào ấm nước sôi mặc cho bạn đã hết sức cảnh báo tay chúng sẻ bị bỏng, hãy cứ để chúng làm theo ý muốn. Bọn trẻ ít nhất sẽ thấy rằng cha mẹ đã đúng và bị bỏng là một trải nghiệm không hề dễ chịu chút nào, vì vậy sẽ rất khó quên.

Tôi đã rất tâm đắc với cách giải quyết có phần “thô bạo” này và cho rằng nó quả thật là một phương pháp tốt để giúp những đứa con “hết cách” trải nghiệm và hiểu ra vấn đề vì dù sao bị bỏng do sờ tay vào ấm nước sôi cũng không nghiêm trọng tới mức không cứu vãn được hay để lại di chứng tàn tật suốt đời. Tuy nhiên, nếu phải áp dụng phương pháp này để “răn đe” những đứa con mới 5 tuổi bé bỏng nhưng hơi cứng đầu một chút thì có vẻ quá tàn nhẫn và có thể dẫn đến nguy hại nghiêm trọng.

Các bậc phụ huynh chắc chắn sẽ không cầm nổi lòng mình, và cũng không nên làm đến mức như vậy. Thế nên, để con yêu của mình biết nghe lời hơn mà không cần phải dùng biện pháp mạnh, xin hãy thử làm theo các bước sau đây.

Thấu hiểu con cái

Harry S. Truman – tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ – đã nói “Cách tốt nhất để bảo ban bọn trẻ là hãy tìm điều chúng muốn và khuyên chúng làm điều đó.” Việc này có nghĩa là bạn phải hiểu rõ khả năng, ý muốn, điểm mạnh – điểm yếu và sở thích của con. Một khi đã biết được con bạn muốn gì, đừng áp đặt trẻ làm điều ngược lại nếu bạn đã chán với việc nhận được sự phản kháng không mong đợi từ con.

Bạn đừng ép con gái của bạn phải cột tóc đuôi gà trong khi việc cột tóc làm bé đau đầu và không tập trung ngồi học được. Hãy bắt đầu chấp nhận con bạn là một cá thể độc nhất vô nhị với những cảm giác riêng, sở thích riêng, sở trường và sở đoản riêng. Thấu hiểu con là để đưa ra một định hướng tốt và bảo vệ con đúng cách.

Thay vì cuống quít hét lên: “Con không được đụng vào ấm nước sôi”, bạn có thể nhẹ nhàng bảo “Đụng vào ấm nước sôi là điều nguy hiểm, và bé ngoan không làm điều nguy hiểm phải không?” rồi sau đó đợi ấm nước sôi nguội bớt tới mức không bị phỏng hãy để cho bé trải nghiệm bằng cách sờ vào và giải thích “Con thấy nóng không? Hồi nãy còn nóng gấp 10 lần thế, con sợ không? Vậy mai mốt đừng đụng vào nữa nhé”.

Một cách khác là hãy giao nhiệm vụ hằng ngày vừa sức của bé và phụ hợp với sở thích. Ví dụ như nếu bạn biết cậu con trai của mình thích nghịch nước, hãy giao cho con nhiệm vụ tưới cây hằng ngày! Tránh đừng bắt trẻ phải tuân theo những luật lệ trái với ý muốn vô hại của chúng.

Trẻ dưới 5 tuổi không biết nói dối nên những yêu cầu của con bạn là “chính đáng” nghĩa bé thật sự đang có nhu cầu đó, và đa số nhu cầu đó là chính đáng ví dụ như ăn, ngủ, chơi đùa. Nếu trẻ than mệt và muốn ăn ít hơn bình thường, có thể là vì nó ham chơi, bướng bỉnh, nhưng rất có thể là bé bị khó tiêu hoặc mắc một bệnh nào đó. Đừng vội kết luận khi bé cãi lời bạn, hãy tìm nguyên nhân “chính đáng” của bé.

Tự do trong khuôn khổ

Tôn trọng con không có nghĩa là thỏa mãn tất cả những đòi hỏi của con vì trẻ còn nhỏ chưa đủ sức để phân biệt đúng sai một cách hoàn chỉnh. Vì vậy, nếu bạn cần phải ép con làm điều chúng không muốn vì sự an toàn, sức khỏe và thói quen tốt hơn của chúng, hãy cho con lựa chọn việc phải làm trong một khuôn khổ nhất định. Bạn muốn con mình khi ăn xong sẽ giúp bạn dọn chén dĩa, nhưng trẻ lại tỏ ra không hứng thú lắm với việc này? Hãy nói với con rằng trẻ có quyền lựa chọn giữa việc dọn chén đĩa, lau bàn hoặc đi đổ rác.

Thêm vào đó, hãy nói với bé rằng giúp cha mẹ là một việc tốt mà khi hoàn thành trẻ sẽ cảm thấy sung sướng vì mình là người tốt. Bạn có thể để trẻ tự mình làm hoặc bạn làm cùng với bé nhưng việc đấy phải được làm xong. Người Châu Phi có câu “Cần cả một làng để dạy một đứa trẻ”. Bạn hãy tìm sự đồng thuận từ tất cả người lớn trong gia đình về cách cư xử với trẻ.  Nếu bạn muốn bé tự giải quyết vấn đề, thì hãy “nháy” trước với các thành viên trong gia đình để không ai đồng ý giúp đỡ khiến cho trẻ phải tự làm việc của mình.

Cẩn thận trong hành động và lời nói.

Một nhà văn da đen nổi tiếng, James Baldwin đã nói “Trẻ em rất kém trong việc lắng nghe người lớn nhưng lại rất giỏi bắt chước họ.” Vì vậy, phụ huynh cần ghi nhớ rằng trẻ con luôn quan sát cha mẹ chúng. Nếu bạn muốn con mình là một đứa trẻ lễ phép và biết vâng lời người lớn, hãy thể hiện mình là một người như vậy trước mặt con. Hãy trả lời cha mẹ bạn theo cách mà bạn muốn con bạn trả lời bạn.

Nếu bạn muốn con ngồi ăn ngoan ngoãn cùng gia đình thì tất cả người lớn trong nhà đều phải vào bàn ăn cùng nhau. Thật là mĩa mai khi cha mẹ muốn con cư xử nhã nhặn, nói năng hòa nhã, nhưng cha mẹ lại la hét mỗi khi con làm gì sai.  Hãy giải thích với con nhẹ nhàng.  Nếu bạn quá giận, không kìm nổi và cần phải la toán lên thì hãy đi chỗ khác, hít thở sâu 3 lần rồi trở lại nói chuyện với con một cách từ tốn như bạn muốn con từ tốn với người xung quanh vậy.

Việc đối xử công bằng cũng rất quan trọng. Nếu bạn cho đứa con út hành động theo lựa chọn bạn đã đặt ra thì bạn sẽ phải đối xử với đứa lớn như vậy. Con cái sẽ coi trọng và vâng lời bạn hơn, kể cả khi bạn không còn ở gần, nếu chúng cảm nhận được sự tin tưởng, yêu thương, công bằng và tôn trọng mà bạn dành cho chúng.

Trần Thị Ái Liên – Sáng lập và Điều Hành

cty TNHH Bạn Của Bé – www.BanCuaBe.orgwww.CachDayCon.org

(Bài đã được đăng lên tạp chí Phụ Nữ & Thể Thao Ngày Nay)

 

NÊN ĐẦU TƯ NƠI ĐÂU?

Hẳn là rất nhiều ông bố bà mẹ đau lòng và lo lắng khi nhìn tấm ảnh chụp 2 cậu con trai bò trên đường phố thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông). Ông bố đã bắt con bò từ tiệm game về nhà để trừng phạt tội nghiện game online. Vợ chồng ông vất vả cả ngày ngòai rẫy để kiếm tiền, không tiếc tiền cho con đi học thêm hè, ông thương con tới mức chỉ để riêng 2 vợ chồng vất vả nắng mưa ngoài rẫy để 2 cậu trai trẻ được ở nhà dành thời gian học bài.

Image

Việc lớn và việc nhỏ

Hàng triệu ông bố khắp ViệtNamcũng đang nghĩ vậy. Tập trung toàn bộ sức lực để kiếm tiền, để lo cho gia đình và con cái, một cuộc sống khấm khá hơn hôm qua, hôm  kia, chục năm trước. Đi sáng, về khuya, nai lưng cật lực ngoài ruộng rẫy hoặc lao tâm khổ trí trong văn phòng.

Tôi đã từng gặp nhiều ông bố bận rộn vô cùng. Một anh làm phó chánh văn phòng của một tập đoàn tại Hà Nội, 10h đêm mới về đến nhà, sớm nhất cũng 9h. Cả 5 ngày trong tuần đều như vậy. Hai ngày cuối tuần nếu không đi đâu thì ở nhà nằm ngủ từ rạng sáng hôm trước đến 5, 6h chiều hôm sau mới dậy, chẳng làm gì, chẳng đưa con đi đâu, chẳng chuyện trò với vợ con hoặc bố mẹ gì cả.

Một anh khác chi là nhân viên có đá trong đá ngoài tý thôi mà ngày nào cũng 10,11h đêm mới mệt mỏi xơ xác lê về nhà.

Ông nội, ông ngoại, bố trẻ, bố già, tới các chàng thanh niên măng tơ đều tự hào tuyên bố: Tôi là đàn ông, tôi lo việc lớn, lo kinh tế!

Nhưng tại sao lại chỉ là kinh te’? Tại sao việc lớn lại chỉ là kiếm tiền? Có phải việc làm cho gia đình hạnh phúc và dạy dỗ con cái là chuyện nhỏ?

Có lẽ tâm thế này có từ thời nguyên thủy, sứ mệnh cuả người đàn ông là săn bắn cho được thật nhiều con mồi mang về cho vợ con khỏi bị đói. Có le những ngày nghèo khó chưa thoát hết khỏi đầu các bậc cha mẹ. Ba mẹ vẫn tâm niệm rằng nhiệm vụ cao cả nhất của mình là kiếm cho con ăn, còn tự khắc con sẽ lớn, sẽ khôn, sẽ ngoan, sẽ sống như ước mơ của bố mẹ. Nhưng bầu không khí quanh con bây giờ có biết bao nhiêu là nguy cơ, những nguy cơ mà bố mẹ chẳng có mấy kinh nghiệm: game online, thuốc lắc, HIV, cứu net,… đến những con My Sói ngọt ngào trên mạng…

Khó như vậy, tại sao lại coi việc dạy con là việc nhỏ, chỉ giao cho mẹ, hoặc thậm chí chẳng giao cho ai?

Liệu có phải chúng ta đang đầu tư sai?

Image

Tôi vừa dẫn một nhóm sinh viên sang Thái Lan giao lưu, chúng tôi được một ông bố của môt thành viên đoàn nước sở tại tiếp đón rất đặc biệt. Ông là giám đốc một ngân hàng, chắc chắn cũng rất là bận rộn, mỗi ngày của ông hẳn là cũng xếp kín lịch và làm ra rất nhiều tiền. Nghe tin cô bạn trong tầm ngắm cuả con trai tới chơi, ông xin nghỉ phép hẳn 2 ngày, để thân chinh lái xe chở con và nhóm bạn cuả con đi chơi nguyên 2 ngày.

Hai ngày, ông vừa lái xe, đặt chỗ nhà hàng, ăn cùng, chơi cùng, nói chuyện cùng, và buổi cuối, còn nhậu cùng và rồi hát karaoke cùng cô bạn gái mà con trai ông đang đem lòng yêu. Tôi nhìn thấy ông nói chuyện, lái xe rất vui vẻ, và cũng không bỏ sót cử chỉ, câu nói nào của cô bé ấy.

Với con mắt của một người bố, một người đàn ông đã có gia đình, hẳn ông sẽ nhìn thấu tính cách, trình độ, cách cư xử và phông nền văn hóa của cô bé, tinh tường hơn cậu con trai đang “cảm nắng”. Và tôi nghĩ, cô bé có trở thành vợ tương lai cuả con ông hay không, hoàn toàn ông có thể can thiệp được. Một khi đã thân thiết với con trai như thế, một khi đã đầu tư thời gian cho con nhiều như thế, một khi đã đánh giá cô gái kỹ như thế, thì hẳn mỗi lời góp ý của ông với con trai hẳn sẽ thật tâm phục khẩu phục.

Là một giám đốc ngân hàng, tôi nghĩ cú này Ông đã đầu tư  đúng. Hai ngày nghỉ phép để làm bạn với bạn gái của con, làm ông có thể tránh được nhiều ngày cãi cọ với con trai về chuyện cưới hay không cưới, nhiều năm đau khổ dằn vặt nếu con chọn sai bạn đời.

Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng đã từng kể ở Pháp nơi anh đang sống, những bạn bè thường giao lưu nhất, thân thiết nhất của gia đình, hóa ra là toàn là bố mẹ của bạn bè con anh.

Tôi tin rằng những ông bố bà mẹ làm bạn được với con, làm bạn được với bạn bè con, làm bạn được với cả bố mẹ cuả bạn bè con, sẽ chẳng phải bỏ việc đi tìm con trong các tiệm game, chẳng phải bỏ tiền thuê thám tử theo dõi hoặc đăng báo gọi con về nhà.

Bởi vì, có thể nói Game online có sức hút không thua gì ma túy. Ví như game T. kinh phí đầu tư lên tới 65 triệu đôla, ê kíp thực hiện gồm những kiến trúc sư tài ba nhất Hàn Quốc, những họa sỹ giỏi nhất, những nhà soạn nhạc hàng đầu quốc gia… đi kèm với chiến lược kinh doanh siêu đẳng… Liệu cây roi thô kệch của ông bố già chậm chạp có chống chọi được với sức hút của game online? Một giám đốc trung tâm kỹ năng sống đã từng mở lớp cai nghiện game online nói với tôi: “Thành thật thì, với những em đã nghiện game online thực sự, chúng tôi chưa chữa được”. Cuối cùng, cách duy nhất để phòng chống con mình nghiện game online, có lẽ là sao cho con nghiện mình trước khi nghiện game, có nghĩa là phải chinh phục con từ hồi con còn bế ngửa.

Như một bạn đã nói: “Thay vì dành 10 giờ  làm việc kiếm tiền mỗi ngày, ta chỉ làm 8 giờ, còn 2 giờ để đầu tư làm bạn với con!” Như thế mới hi vọng mai này không bị lỗ trắng tay!

Gia Gia

 
 

MẸ CÀNG GỒNG MÌNH LÊN THÌ CON CÀNG MỆT!

Tôi chẳng sai khi mong muốn dành những thứ tốt nhất cho con. Nhưng tôi đã nhầm về những thứ tốt nhất. Tôi sẵn sàng đi chợ thật sớm để tranh mua được khúc cá ngon nhất, hay lùng sục trên mạng cả buổi để tìm hiểu về những loại sữa, váng sữa tốt nhất, nhưng rồi bữa cơm, khi con không chịu ăn, tôi lại quát tháo ầm nhà, và tét vào mông bé. Tôi cũng không quản khó khăn chạy trường chạy lớp cho con học, nhưng rồi lại đay nghiến con nếu con làm bài bị sai.

Những em bé bị thiếu khí thở

Tôi nhớ lại hồi mình mới sinh em bé. Lương hồi đó chỉ có khoảng 3 triệu đồng tháng, nhưng cái gì mua cho con cũng phải là tốt nhất trong cửa hàng. Tôi chọn mua sữa S26, sản xuất từ Úc, với giá hơn 500 ngàn một hộp (chứ không phải loại S26 sản xuất ở Singapore đâu nhé. Sing cũng chỉ là châu Á mà thôi). Nước rửa bình sữa cho con là loại chuyên dụng nhập khẩu, quần áo con giặt riêng, trong chiếc máy giặt mini, bằng loại bột giặt đồ giành cho trẻ em, nước xả vải cũng là loại riêng dành cho trẻ em. Tất cả bao quanh bé là những đồ dùng tốt nhất, còn ba mẹ thì sao cũng đươc. Thậm chí, tắm cho con cũng phải bằng nước uống tinh khiết thùng 20l, hoặc nếu hôm nào không đi mua được thì phải là nước sôi để nguội vừa âm ấm.

Image

Thời gian đó, mặt mũi cả hai vợ chồng như dài ra vì lo lắng, nợ nần ngập đầu. Tôi thực sự rất mệt mỏi, chồng bù đầu làm thêm giờ buổi tối. Đầu bù tóc rối, mồm năm miệng mười, tả xung hữu đột với những bữa ăn, những trận con ốm. Con bé nhận được ít tiếng cười của ba mẹ nên có vẻ cũng kém sinh động.

Bạn tôi, Thương Huyền là giáo viên PTTH, lại gặp phải nỗi khó khăn khác. Từ ngày sinh bé, tới nay bé đã lên lớp 4, mà Huyền chưa dám đi đâu xa con một buổi tối. Hôm thấy mấy cô bạn từ Sài Gòn tới chơi thăm nhà, Huyền ngạc nhiên: “Sao tụi mày lại dám bỏ con bơ vơ lăn lóc mà đi chơi vậy? Tao chịu tụi mày, sao thiếu trách nhiệm với con thế?”

Lần khác, cô bạn khác ra, mang theo cả con gái 3 tuổi, Huyền càng choáng váng hơn vì cô bạn quẳng con ở nhà chơi với con mình, rồi đi mất hút hơn nửa ngày mới về. Mà cũng kỳ, bé vắng mẹ mà chẳng làm sao, chơi với con mình tý tách cả buổi, rồi tới giờ ăn ngồi ăn ngon lành cùng người lạ, vui vẻ lanh lợi.

Nhưng mà dù thế thì vẫn không được? Không thể bỏ con như vậy được!

Image

Đừng đặt gánh nặng hi sinh lên vai con!

Hôm tới nhà Huyền tôi thấy Huyền đang đánh con. Cô bực mình vô cùng vì con cô vừa làm rớt vỡ cái chén. Tôi ngạc nhiên hỏi: Tội thế có gì mà phải đánh? Đứa trẻ nào chẳng làm vỡ vài cái chén đĩa trước khi khéo léo như người lớn. Huyền trả lời: “Nhưng tao tức không chịu được. Tao ở nhà cả ngày, không dám đi đâu, chỉ để rèn dạy nó, mà nó không nghe lời, tao điên lắm!”

Có thể đúng. Huyền đang tức giận. Một phần quan trọng là vì Huyền đã hi sinh nhiều quá, đã kỳ vọng nhiều quá vào con. Cũng như tôi, và nhiều bà mẹ khác, tất cả thú vui, sự nghiệp của mình đã hi sinh, vậy mà con còn có thể phạm phải sai sót được sao? Con có thể vụng về được sao? Con có thể bị điểm kém được sao? Con có thể thua thiệt bạn bè được sao?

Vâng, đó chính là thiệt thòi lớn nhất của những em bé được ba mẹ chăm lo kỹ quá, được ba mẹ dồn quá nhiều tâm sức vào chăm sóc, nuôi dạy. Những em bé bị thiếu khí thở. Trong vòng tay ôm ấp chăm lo quá chặt của những người ba, người mẹ hay lo, bé không có khoảng trống nào để lùi lại, để sửa sai, để làm vài trò nhảm nhí cuả trẻ nít. Đặc quyền cuả trẻ con là được làm sai vài thứ rồi làm lại, thì các bé cũng không được phép. Mỗi sai sót bằng móng tay cuả bé sẽ bị bố mẹ, hoặc chính bản thân bé thổi phồng, vì áp lực quá lớn cuả tình thương.

Image

Một cô bạn tôi lại rất khác, hai vợ chồng đều học ở nước ngoài về. Hôm thấy cô xách va ly đi công tác cả tuần dài trong khi con trai mới hơn 1 tuổi, tôi ngạc nhiên quá chừng. Nhưng cô bạn thản nhiên nói: “Tôi đã cai sữa rồi, nên không ảnh hưởng gì, và bé ở nhà được chăm sóc bởi bà nội và người giúp việc rất cẩn thận. trước khi đi tôi cũng đã chuẩn bị mọi thứ chu đáo. Vậy tại sao phải lo nữa chứ. Tôi còn có sự nghiệp của tôi. Tôi không thể hi sinh tất cả cuộc sống và sự nghiệp của mình cho con. Không phải vì tôi tiếc, mà vì tôi không muốn con lớn lên với ám ảnh rằng mẹ đã hi sinh quá nhiều cho mình!”

Tôi viết bài này không phải để cổ xúy những bà mẹ bỏ con ở nhà rồi đi rong chơi, đánh đề suốt ngày. Bởi những bà mẹ đó chắc chắn chẳng đọc Lửa Ấm. Tôi viết cho những bà mẹ Lửa ấm, những bà mẹ cũng giống tôi, nín thở vì con, thấp thỏm vì con, lúc nào cũng canh cánh rằng không biết con mình đã được lo tốt nhất chưa. Có lẽ chỉ có thế hệ các bà mẹ 6X, 7X, 8X mới cần tập cách lùi xa con ra một khoảng, bởi hình như chỉ có các bà mẹ 6X, 7X, 8X bị ám ảnh quá nhiều về một tuổi thơ thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần, rồi lại ngay lập tức phải đối mặt với xã hội mà các giá trị sống bị xáo trộn. Môi trường của con bạn sau này chắc chắn sẽ khác.

Giờ thì tôi tin rằng, khi tôi càng bao bọc, con mình càng yếu đuối, càng vụng dại. Khi tôi càng cố gắng cầu toàn, con tôi càng bị áp lực, và có một điều chắc chắn: không có đứa con nào hạnh phúc bên một bà mẹ bất hạnh được.

Vì vậy, bây giờ tôi đang học cách nuôi con sao cho chính mình cảm thấy thật thoải mái và hạnh phúc, và không phải gồng quá sức mình. Con cái tôi rất cần bầu dưỡng khí lành mạnh đó!

Gia Gia

 
 

Tags: , , , , , , , ,

ĐỪNG TẠO NỘI KẾT TRONG LÒNG CON

Ngày hôm qua, khi tôi đang say sưa dán mắt lên màn hình thì TV tắt phụt! Ngớ người ra một lúc mới hiểu là cúp điện; thế là vừa tiu nghỉu vừa bực mình! Bỗng dưng lúc ấy tôi lại nhớ thời thơ ấu khi thường xuyên “được” cha mẹ… tắt phụt TV bằng cách rút hẳn dây nguồn ra để ngăn tôi không mải mê với phim ảnh mà lơ đãng chuyện học hành.

Image

Cảm giác hụt hẫng khi TV tắt vì bị rút dây ở quá khứ và khi TV tắt vì cúp điện ở hiện tại, có khác hay không cảm giác ức chế khi bị đối xử đường đột hằng ngày (bị… giật đồ khi đang thong dong đi dạo chẳng hạn)? Và có bao giờ bạn tự hỏi những kỷ niệm vô thức của tuổi thơ sẽ ảnh hưởng đến cách hành xử của mình khi trưởng thành?

Thích Nhất Hạnh đã từng dạy rằng “nội kết” là những gút mắc trong lòng ta – được hình thành khi ta nghe thấy điều gì đó nặng nề, hoặc bị cư xử không đúng mực. Những trải nghiệm không vừa lòng hoặc thậm chí uất ức qua thời gian trở thành nội kết và ngày càng lớn dần lên và làm người ta hành động và suy nghĩ tiêu cực. Cha mẹ đóng vai trò như thế nào trong việc hình thành nội kết của chúng ta?

Thực tế là ít có cha mẹ Việt Nam nào giải thích cặn kẽ cho con hiểu vì sao chúng không được phép xem TV quá giờ quy định; hiếm có khi nào bạn được thông báo hoặc giải thích vì sao điện lại bị cúp; và chẳng có tên trộm nào bận lòng giải thích cho bạn vì sao hắn giật đồ bạn. Vậy suy ra từ khi còn là một trẻ thơ cho đến lúc trưởng thành, đa số chúng ta đã luôn có những “nội kết” của riêng mình.

Vấn đề là từ nhỏ, cha mẹ ta đã để mặc ta đấy với những ấm ức trong lòng và đủ thứ băn khoăn mà không biết rằng thời gian càng làm “nội kết” khó hóa giải. Những uất ức nhỏ nhoi của tuổi thơ qua năm tháng như một viên than hồng âm ỉ sẽ là ngon lửa nóng giận bùng lên khi có cơ hội và làm chủ chúng ta. Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao người ta có thể đâm nhau chết chỉ vì những lời qua tiếng lại rất vặt vãnh hay môt cú đụng chạm nhỏ trên đường phố. Có lẽ đó là khi ngọn lửa âm ỉ của nội kết đã có cơ hội bùng lên.

Image

Về bản chất cơn giận không xấu, nhưng làm nô lệ cho cơn giận mới là xấu. Nếu bạn muốn con cái mình học được cách ứng xử hợp lý và làm chủ được tình cảm của mình, hay ít ra là không làm nô lệ cho cơn giận của mình thì, hãy bắt đầu thay đổi cách bạn hành xử với con ngay từ nhỏ.

  • Nếu bạn muốn chuyển kênh hoặc muốn con dừng xem TV, hãy thông báo trước cho trẻ biết là bạn sẽ chuyển kênh hoặc tắt TV trong vòng vài phút tới; kèm theo đó hãy giải thích lý do vì sao bạn lại làm vậy. Hãy để trẻ có được sự chuẩn bị tinh thần cần thiết và lời lý giải thích đáng cho hành động của bạn.
  • Đừng giật đồ chơi ra khỏi tay con bạn khi trẻ đang chơi say mê dù bạn biết rằng đồ vật đó có thể gây nguy hiểm. Hãy nhẹ nhàng, kiên nhẫn đổi đồ chơi đó bằng một thứ khác cho trẻ và giải thích vì sao trẻ không nên chơi đồ chơi đó nữa.

Về phần mình, thật ra những “nội kết” trong tôi về cha mẹ đa phần đã được hóa giải nhờ vào những lời khuyên chân thành từ chị cả của tôi. May mắn là tôi đã có người để tâm sự và tháo gỡ khúc mắc của mình. Thế nhưng bạn có chắc rằng con bạn luôn có một người thân khác ngoài bạn đủ dịu dàng và hiểu biết để giải tỏa những “nội kết” của chúng? Nếu bạn không chắc chắn về điều đó, hãy trở thành người đầu tiên giúp con có được sự hiểu biết về bản thân chúng và về người khác để “nội kết” không hình thành và trẻ học được cách quản lý cảm xúc của chúng.

Trần Thị Ái Liên – Sáng lập và Điều Hành

Cty TNHH Bạn Của Bé – www.BanCuaBe.orgwww.CachDayCon.org

(Đã được đăng trên tạp chí Phụ Nữ & Thể Thao ngày nay)

 

Tags: , , , , , , , ,

XÂY DỰNG BỆ PHÓNG CHO TÊN LỬA THÀNH CÔNG CỦA CON BẠN

Hôm qua, tôi được hân hạnh tiếp chuyện cùng nhạc sỹ Dương Thụ (http://vi.wikipedia.org/wiki/D%C6%B0%C6%A1ng_Th%E1%BB%A5) và học được một bài học quý giá. Xin chia sẽ cùng những cha mẹ muốn dạy con nên người.

Dương Thụ sinh ra trong gia đình dòng dõi thời Pháp thuộc, nhưng vì yêu nước gia đình ông đã không di cư vào Nam năm 1954.  Kết quả là họ bị đánh tư sản, cha của Thụ qua đời trong cuộc cải cách ruộng đất, và “công tử” Thụ phải đi kéo xe ba gác từ năm 13 tuổi. Lam lũ cùng những người lao động chỉ biết chửi thề, nhậu nhẹt, đánh nhau, và mánh khóe gian lận. Thế thì điều gì đã làm cho đứa bé 13 tuổi trong môi trường đáng sợ này không trở nên đáng sợ mà còn lững lẫy như bây giờ?

Đó là nhờ nền tảng giáo dục của gia đình Dương Thụ. Khi còn bé, ông luôn luôn được nhìn thấy và khuyến khích tham gia những hành vi, lời nói và cách giải trí lành mạnh cùng bạn bè của Bố trong gia đình gia giáo. Vì vậy, khi gia đình sa sút, ngoài giờ đi kéo xe ba gác, Thụ đến nhà bạn bè cũ của Bố mình và nghe họ nói chuyện.

Công tử Thụ chải chuốc tươm tất ngày nào, giờ đây là anh chàng kéo xe lem luốc vẫn được Nhạc sỹ Văn Cao sai đi mua rượu để rồi về ngồi ngoan ngoãn nghe ông nói chuyện, khoanh tay, nuốt từng lời. Và Thụ cũng ngoan ngoãn như thế với những bậc đàn anh khác như các nhà văn Trần Dần, Lê Đạt, Xuân Khánh, Dương Tường, Phạm Toàn và các nhạc sĩ Đàm Linh, Nguyễn Xinh, Chu Minh…
Và, không chỉ nghe-học ở các bậc đàn anh và cố gắng sống với những vấn đề của họ, anh còn nói rằng anh rất biết ơn “vỉa hè Hà Nội”,nơi những người lao động tử tế mà anh may mắn gặp được trong cuộc sống lam lũ của mình, họ đã dạy cho anh nhiều điều về cách sống, cách cư xử, về lẽ công bằng và sự tôn trọng phẩm giá “đói cho sạch, rách cho thơm” cái mà anh gọi yêu là “văn hóa vỉa hè”.

Image

Kết quả là nhà văn hóa Dương Thụ mà tôi được diện kiến hôm qua đã thu hút tất cả sự tập trung mà tôi có được bằng những lời nói tự nhiên, nhẹ nhàng, và đầy nhân bản.  Thật tình tôi không biết Dương Thụ nổi tiếng tới mức nào vì tôi xa quê hương đã hơn 20 năm. Nhưng, tôi nài nỉ để có cuộc nói chuyện với ông chỉ vì tôi khâm phục tinh thần nhẹ nhàng, tha thứ, mang đậm màu sắc “trí tuệ” và “từ bi” của Phật giáo và “bác ái” của Thiên Chúa giáo.

Tôi rất tâm đắc câu nói của Dương Thụ: “Sống, cần phải có nhận xét, đánh giá để phân biệt, để khỏi lầm lẫn. Đánh giá được rồi thì thôi. Xấu, không chê nữa. Tốt, không khen nữa”.

Tôi đã ngồi nghe Dương Thụ như  cách Dương Thụ ngồi nghe Văn Cao, và bài học tôi muốn chia sẻ với các vị phu huynh là, hãy tạo nền tảng đạo đức và ý chí sống tốt cho con mình như cách gia đình Dương Thụ đã tạo cho ông. Hãy làm gương cho con, nói năng, hành xử nhẹ nhàng với con. Hãy trải nghiệm cùng con những thú vui giải trí lành mạnh và cho con tham gia những hoạt động của mình và bạn bè mình. Để khi mình sa cơ, một thân một mình con đủ sức bương chãi trong dòng đời bằng chính ý chí tự học hỏi, tự trau dồi, tự tìm thấy ánh sáng trong môi trường đen tối. Và hơn thế nữa, con mình còn có cả một cộng động tốt hổ trợ về tinh thần cho con phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.

Đó là nền tảng cho cuộc đời của con bạn, cũng như là bệ phóng cho hỏa tiễn đưa con bạn đến thành công sau này. Quả là gia đình Dương Thụ đã thành công trong việc xây bệ phóng cho ông rất vững chắc để ông có được ý chí vươn lên, tự mình làm chủ cuộc đời mình, không bị ảnh hưởng bởi môi trường xấu xung quanh.

Cậu bé 13 tuổi Dương Thụ đã như đóa sen không lấm bùn đen, và đã phóng được tên lửa thành công từ bệ phóng vững chắc của giáo dục gia đình để vươn mình thành Nhà Văn Hóa Dương Thụ ngày nay. Con của các bạn có làm được như vậy hay không? Tại sao không nhỉ?

Trần Thị Ái Liên – Sáng lập và Điều Hành

Cty TNHH Bạn Của Bé – www.BanCuaBe.orgwww.CachDayCon.org

 

Tags: , , , , ,